Trong những khó khăn chung của ngành kinh doanh F&B vào những tháng đầu năm 2020 với “dịch bệnh Corona” với lượt khách giảm sút, gây thiệt hại về doanh thu, ảnh hưởng đến dòng tiền, các kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn, làm các chủ quán cafe, nhà hàng phải đối mặt với rất nhiều áp lực để duy trì hoạt động kinh doanh. Một trong các câu hỏi của khách hàng dành cho mình trong giai đoạn khó khăn này, mà mình nghĩ cũng là câu hỏi chung của nhiều anh chị chủ quán cafe, nhà hàng, đó là “Có phải ngành kinh doanh F&B không dành cho những người có vốn ít?”. Câu hỏi này làm mình có nhiều suy tư. Để có một câu trả lời hài lòng cho tất cả mọi người thì mình chưa làm được. Mình chỉ chia sẻ trong bài viết này góc nhìn và quan điểm của cá nhân mình.
Có phải ngành F&B không dành cho những người có vốn ít?
- Theo mình, “vốn” trong ngành F&B không phải là ít hay nhiều, mà là “phù hợp”.
“Vốn phù hợp” tức là cần phù hợp với tham vọng, với mong đợi của chủ quán vào mô hình kinh doanh mà mình quyết định tạo lập.
Kinh doanh ngành F&B, theo cá nhân mình, là cung cấp một giá trị tốt hơn bằng sản phẩm và dịch vụ F&B cho nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu. Việc đầu tư tài chính vào xây dựng, set-up món, huấn luyện nhân sự, thiết kế cho quán cafe, nhà hàng… là nhằm tạo ra sản phẩm và dịch vụ có “giá trị mang lại” đủ tốt, và phù hợp với mục tiêu kinh doanh, hay chính xác là đầu tư tạo ra “sản phẩm tốt” để “cung cấp” cho khách hàng mục tiêu. Chúng ta bán sản phẩm cho những nhóm đối tượng khác nhau, họ có những nhu cầu khác nhau, và dẫn đến đầu tư tạo ra sản phẩm cũng có mức độ khác nhau. Sản phẩm được tạo ra nếu cung cấp sai đối tượng, sẽ làm cho khách hàng không “thấy” được “giá trị” được cung cấp, dẫn đến kinh doanh thiếu hiệu quả.
Vốn đầu tư cho kinh doanh F&B được phân bổ cho rất nhiều hạng mục. Nhưng với mình, một trong những hạng mục ngốn tiền nhiều nhất mà anh chị em cần phải cẩn trọng “tiền đặt cọc mặt bằng”. Khoảng tiền đặt cọc mặt bằng sẽ ngốn một lượng tiền mặt rất lớn trong tổng số vốn ban đầu. Và tất nhiên bất kể công việc kinh doanh nào, khi thiếu hụt tiền mặt thì sẽ có vấn đề. Các cơ sở kinh doanh F&B mới mở, thường sẽ gặp khó khăn về doanh thu trong thời gian đầu. Và nếu cơ sở kinh doanh mở ra nhằm vào lúc thị trường sụt giảm chung, thì khó khăn chồng chất khó khăn.
Trong thời điểm kinh doanh khó khăn, thì bắt buộc chủ doanh nghiệp phải tìm mọi cách để tạo ra doanh thu cho quán cafe, nhà hàng. Lúc này, một mô hình kinh doanh được đầu tư bài bản, sẽ phát huy tác dụng của nó. Chủ đầu tư đang có trong tay “sản phẩm tốt”, “cơ sở sản xuất mạnh”, việc cần làm là linh hoạt ứng phó với thị trường thực tế, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và marketing phù hợp theo thị trường, và BÁN HÀNG.
Bán hàng nhanh chóng, bán bằng nhiều cách, nhiều hình thức bằng “sản phẩm F&B tốt”, mới tạo ra nguồn thu, tạo ra lượng tiền mặt trong quán, và giúp doanh nghiệp F&B “vượt bão”. Các giai đoạn khó khăn trong kinh doanh ngành F&B, đòi hỏi chủ quán phải là người có khả năng kinh doanh giỏi, và thật sự cần có đam mê ngành F&B.
Với mình, vốn ít hay nhiều không nói lên được câu chuyện kinh doanh thành công hay thất bại ở ngành F&B, mà điều này phụ thuộc vào tư duy kinh doanh và khả năng kinh doanh của người làm chủ. Kinh doanh F&B bắt buộc đi qua giai đoạn SỐNG SÓT – PHỤC HỒI – TĂNG TRƯỞNG – GẶT HÁI – TÁI TẠO. Để bước qua giai đoạn “Sống sót”, doanh nghiệp F&B bắt buộc phải có tiền. Tiền lúc này cần đến từ tất cả các nguồn mà chủ quán có thể có được, và điều quan trọng là nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, bán hàng phải chiếm trọng số.
Đến đây, thì mình xin sửa một chút câu hỏi ban đầu thành là
Ngành kinh doanh F&B không dành cho tất cả mọi người!
Kinh doanh F&B đòi hỏi nhiều nổ lực, sự kiên trì, nhiều trí tuệ, sự tinh tế, và cả tình yêu cho sản phẩm F&B, cùng sự yêu thích phục vụ người khác. Bạn có thể cung cấp sản phẩm F&B và dịch vụ cho rất nhiều đối tượng từ công nhân, học sinh, dân văn phòng, doanh nhân, khách du lịch, bà nội trợ … và tại nhiều địa điểm từ lề đường bình dân, cho đến quán xá sang trọng. Bạn chỉ cần biết là bạn đang làm gì, muốn đạt được điều gì thì bạn sẽ hiểu cách sử dụng nguồn vốn (*) của mình cho phù hợp.
Thân chúc các anh chị, các bạn đang kinh doanh ngành F&B có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn với đầy nghị lực và mạnh mẽ.
Sài Gòn, 16/2/2020
—
Bài viết này không nhằm mục đích đi sâu vào phân tích “tài chính” cho ngành F&B. Nên nếu bạn có mong đợi nhiều về phân tích tài chính thì rất tiếc sẽ không được đề cập ở đầy.
Mình viết bài này với quan điểm cá nhân, sẽ có rất nhiều điều chủ quan.
(*) Nguồn vốn được đề cập ở phần cuối của bài viết, không chỉ nói về tiền mà còn là “những nguồn lực khác” của bản thân chủ quán.
Comments are closed.