Tag

kinh doanh nhà hàng

Browsing

Mình đã tham gia vào nhiều dự án F&B. Gặp gỡ, làm chung, học hỏi từ nhiều anh chị em trong ngành F&B ở nhiều vị trí công việc và nhiều tỉnh thành khác nhau. Có các anh chị em đã có kiến thức chuyên môn mấy chục năm trong nghề, có các em mới tham gia vào ngành F&B được một vài năm. Có các anh chị em có chuyên môn cứng, đảm nhiệm vị trí chủ chốt ở nhà hàng – cafe tư nhân, cũng có nhiều anh chị em đã gắn bó với các chuỗi F&B lớn, hay có thời gian làm việc lâu dài trong các nhà hàng – khách sạn cao cấp. Có anh chị lớn tuổi, nhiều năm ở vai trò quản lý cho các nhà hàng – cafe tư nhân lớn nhỏ, cũng có các em rất trẻ đã đảm nhiệm vai trò quản lý, tổng quản lý, trưởng bộ phận chuyên môn ở các nhà hàng – cafe. Điều mình nhận ra được là, bất kì ai, ở bất kì vị trí nào trong một nhà hàng – cafe từ tư nhân hay chuỗi lớn đều cung cấp một “giá trị” phù hợp cho cơ sở kinh doanh đó trong từng giai đoạn. Và nếu “giá trị” họ cung cấp vẫn còn phù hợp, mức “chi trả” cho “giá trị” đó vẫn làm hài lòng cả chủ đầu tư – người lao động, thì nhân sự vẫn ổn định.

Ngành kinh doanh dịch vụ ẩm thực, trong góc nhìn của riêng mình là “thiên biến vạn hoá”.  Và càng ngày, thị trường kinh doanh dịch vụ ẩm thực càng “biến đổi” nhanh chóng theo xu hướng vận động chung của xã hội. Thời đại của thông tin, toàn cầu hoá, của thế hệ mới, của công nghệ tác động nên rất nhiều ngành, không chỉ có riêng ngành dịch vụ ẩm thực. Và điều những nhân sự trong ngành F&B cần làm là “chấp nhận các thay đổi” và “học hỏi không ngừng” để “giá trị” mình cung cấp vẫn luôn “giàu có” theo năm tháng. Thời đại mới cũng đưa ra nhiều “thách thức” và “cơ hội” về việc làm cho ngành F&B.

Trước đây, việc phân hoá chuyên môn ở từng vị trí công việc trong ngành dịch vụ ẩm thực, hay cụ thể trong nhà hàng – cafe rõ rệt. Thì ngày nay, xu hướng tuyển dụng nhân sự “đa tác vụ” ngày một nhiều hơn. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta giảm nhẹ nhân sự chuyên môn, mà là yêu cầu nhân sự ngoài “chuyên môn” cần có khả năng tiếp thu nhiều kiến thức mới, đảm nhận nhiều vị trí hơn trong nhà hàng – cafe. Ở các nhà hàng – cafe, xu hướng cần nhân sự “đa tác vụ” giỏi để tăng hiệu quả chi phí nhân sự, và để lên vị trí “quản lý” thì ngoài chuyên môn cao, bạn còn phải giỏi về “quản lý và lãnh đạo”. Ngoài ra, thị trường hiện tại, có sự tham gia của các đơn vị “hỗ trợ” – Agency. Các “agency” có thể cung cấp khả năng giải quyết các vấn đề chuyên môn cao, trong một thời gian ngắn, giảm bớt áp lực phải tìm kiếm và duy trì chuyên môn cao liên tục ở các nhà hàng – quán cafe. Nhân sự ở nhà hàng – cafe giờ tập trung vào “quản lý  – vận hành – kinh doanh” hiệu quả.

Theo quan điểm của mình, “giá trị” của nhân sự không chỉ nằm ở “lượng kiến thức chuyên môn” mà người đó có, mà nằm ở nhu cầu của doanh nghiệp. Tìm ra được người đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thì trao cho họ mức lương thoả thuận phù hợp. Đó là phương án Win-Win của cả người sử dụng lao động và người lao động. Và ở ngành F&B, việc tuyển dụng và sử dụng lao động ở các vị trí cũng tương tự như vậy. Tất nhiên, nếu nhân sự lao động không “nâng cao giá trị” của mình, thì họ có thể bị thay thế khi không còn phù hợp với sự phát triển hay yêu cầu công việc của doanh nghiệp. 

Riêng về vị trí “quản lý” của nhà hàng – cafe, thì mình cho rằng kĩ năng và kiến thức quan trọng nhất năm ở “quản lý và lãnh đạo”. Nếu nhân sự có khả năng “quản lý và lãnh đạo” giỏi, sẽ biết sử dụng những người “chuyên môn giỏi” để làm việc cho mình. Những người có chuyên môn giỏi, có thể “thuê ngoài” từ các Agency, hoặc “tuyển dụng” trở thành nhân viên cơ hữu của nhà hàng – quán cafe. Không nên chỉ dùng thước đo về “kiến thức chuyên môn” để đánh giá vị trí “quản lý”, mà khả năng về “quản lý và lãnh đạo” cũng như hiệu quả công việc mới là quan trọng nhất. Hiểu được điều này, chúng ta mới thấy việc đào tạo một “quản lý” cho nhà hàng, nằm chú trọng ở đào tạo khả năng “quản lý và lãnh đạo”, chứ không phải chú trọng đào tạo chuyên môn. Bởi vì chuyên môn cơ bản, là điều bắt buộc khi ở cấp độ nhân sự thực thi công việc. Và như mình đã nói ở trên, nhân sự ở cấp độ này không chỉ biết về chuyên môn của mình tốt, mà còn phải “đa tác vụ” tốt. Nếu một nhân sự chuyên môn, phát triển theo hướng “nâng cao chuyên môn”, thì họ dần trở thành “nhân sự chuyên môn cao cấp”, nhưng đó không phải là ở cấp “quản lý”.

Mình đã gặp và làm việc với nhiều bạn trẻ rất giỏi chuyên môn và có bạn thì rất giỏi về quản lý. Ở độ tuổi rất trẻ, có bạn đã có thể ra món, set-up món cho nhà hàng – cafe; tất nhiên là có sự hỗ trợ của nhân sự khác về định giá menu, cách thức bán hàng. Có bạn khác khi còn trẻ nhưng đã là quản lý của nhà hàng lớn, bên cạnh bạn có sự hỗ trợ của các nhân sự chuyên môn cao về bếp, bar, kinh doanh, marketing… Ở từng vị trí công việc và vai trò, mỗi bạn đều hoàn thành tốt công việc của mình với sự giúp sức của những người khác. Nếu cứ giữ tư tưởng, một người phải biết “rõ” nhiều thứ mới có thể làm việc tốt, thì mình cho rằng tư tưởng này không phù hợp. Quan điểm của mình, ở từng vai trò và vị trí, mỗi người cần có lượng kiến thức và kinh nghiệm phù hợp. Mình cũng từng làm việc với các anh chị đã làm lâu năm trong nghề, có kinh nghiệm nhiều nhưng lại khó cập nhật những điều mới. Sự giới hạn này, đôi khi gây ra những điều đáng tiếc.

Chấp nhận những điều mới, đôi khi quá khác biệt với những gì mình biết, là điều không dễ chịu chút nào. Khả năng học hỏi liên tục cũng cần rèn luyện qua năm tháng với một tư duy tốt. Và với một ngành nhiều biến đổi nhanh chóng như F&B, thì bất kì ai, ở vị trí nào cũng cần thấu hiểu và thực hành hai điều này, nếu không muốn bị “bỏ lại”. 

Đã gần 2 năm Covid xuất hiện “tàn phá” trên mọi mặt của kinh tế và đời sống. Riêng đối với ngành F&B, sự tàn phá này có thể ví như “cơn sóng thần” chưa từng có. Nó đã cuốn phăng mọi hi vọng, nỗ lực, ước mơ của rất nhiều người kinh doanh ẩm thực. “Cơn sóng thần Covid” cũng phá huỷ hàng loạt kế hoạch tăng trưởng, mở mới, duy trì của rất nhiều quán cafe, nhà hàng và cả các doanh nghiệp làm dịch vụ phụ trợ cho ngành ẩm thực.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với ngành kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam.

Chưa bao giờ, cộng đồng kinh doanh ẩm thực ở Việt Nam phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu rộng và toàn diện như hiện tại. Nếu trong một vài đợt khủng hoảng ở quá khứ, ngành kinh doanh ẩm thực phải vượt qua các khó khăn đến từ thị trường, thị hiếu khách hàng thay đổi, cạnh tranh gay gắt từ thương hiệu nước ngoài, việc “lạm phát” quán cafe và cửa hàng ăn uống nhỏ lẻ, thì các chủ doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm “đối sách” để vượt qua. Có thể ví von, “hễ còn bán được” thì chủ quán cafe, nhà hàng vẫn còn tìm cách để “sống sót” được. Nhưng với “dịch bệnh covid”, thị trường kinh doanh ẩm thực bị đóng băng gần như toàn bộ, khi “không được phép kinh doanh”, thì không có một cách nào khả dĩ để có thể vượt qua khủng hoảng.

Rất nhiều quán cafe, nhà hàng đã phá sản. Một số ít quán khác đang “đóng băng” với vốn dự phòng gần cạn kiệt, nguồn vốn vay mượn, công nợ với đối tác, nợ chi phí vận hành và thậm chí là nợ lương nhân viên. Nếu tình trạng “đóng băng” kéo dài hơn, thì rất có thể những quán cafe, nhà hàng này cũng phải đến kết cục “phá sản”. Và khi dịch bệnh kéo dài, làm cạn kiệt nguồn lực của cả xã hội, kéo theo việc “siết” chi tiêu của nhiều người, thì thị trường kinh doanh ẩm thực càng “u ám” hơn.

“Cái khốn khó” xuất hiện đến với tất cả mọi ngóc ngách của hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực, từ mặt bằng, nhân sự, nhà cung cấp, đối tác dịch vụ, tài chính, vận chuyển, cả giấy phép hoạt động. Khi một “tình trạng bất bình thường” được áp dụng quá lâu, hầu như cả hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực không còn “sức” để “tương trợ” lẫn nhau nữa. Việc sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh ẩm thực rất có thể xảy ra nếu “cuộc khủng hoảng” này không được ngăn chặn và kiểm soát nhanh chóng.

Kinh doanh ẩm thực là một bức tranh phong phú, không thể chỉ xem “delivery” làm hướng phát triển chính.

Chúng ta có thể nghe nói nhiều về các khuyến khích cho nhà hàng quán cafe là áp dụng “food delivery”, “bán thức ăn mang đi” từ đầu mùa dịch và đến nay là gần 2 năm. Nhưng liệu cách thức “bán mang đi” có thực sự là giải pháp “căn cơ” cho cả ngành ẩm thực trong mùa dịch?

Ngành kinh doanh ẩm thực rất đa dạng và phong phú. Phần lớn giá trị của ngành ẩm thực lại đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ trải nghiệm ẩm thực tại chỗ của nhà hàng, quán cafe, quán bar, quán nhậu … Và các hoạt động này thì hầu như không thể “giao đi” được. Chúng ta có thể thấy việc “rộ lên” các hoạt động “food and drink delivery” trong vòng 2 năm trở lại đây, với sự tham gia rất tích cực của các tập đoàn cung cấp dịch vụ giao hàng của nước ngoài. Nhưng đó chưa bao giờ là bức tranh chính của toàn bộ ngành kinh doanh ẩm thực.

Thêm nữa, chi phí “chiết khấu” cho các công ty cung cấp dịch vụ giao thức ăn và nước uống từ 22%-25% trên mỗi đơn hàng là chi phí “quá cao”. Và còn nhiều ảnh hưởng khác về thương hiệu, trải nghiệm sản phẩm, chất lượng thức ăn nước uống khi giao đi, thậm chí là mất dữ liệu khách hàng là những rủi ro quá cao đối với các quán cafe, nhà hàng khi muốn chuyển đổi từ kinh doanh phục vụ tại chỗ sang kinh doanh qua các công ty giao nhận thức ăn. Chi phí vận hành đội ngũ bếp và pha chế của các quán cafe, nhà hàng với mô hình phục vụ tại chỗ cũng cao gấp nhiều so với các quán bán thức ăn giao đi. Nhiều so sánh về vận hành, chi phí, doanh thu để cho thấy nhiều nhà hàng, quán cafe phục vụ tại chỗ rất khó để xem “food delivery” là hoạt động chính của mình.

Thị trường kinh doanh ẩm thực không phải chỉ có thức ăn nhanh, thức ăn đóng gói chế biến sẵn, thức ăn cơ bản đơn giản để giao đi. Nếu nhiều nhà hàng, quán cafe phục vụ tại chỗ phải “biến mất”, đó là một sự mất mát lớn của thị trường và ảnh hưởng đến sự hồi phục trong tương lai, cũng như hàng ngàn việc làm của các nhân sự trong ngành ẩm thực có chuyên môn cao.

Vẫn có những thương hiệu lớn chuyển hướng bán thức ăn giao đi.

Sự “sáng tạo” vô bờ bến là điều tuyệt vời của các doanh nhân. Và riêng trong ngành ẩm thực, cuộc “khủng hoảng covid” đã cho thấy khả năng xoay sở của chủ doanh nghiệp trước khó khăn. Một vài thương hiệu chuyển hướng sang bán “thức ăn giao đi”, “bán nguyên liệu chế biến thực phẩm”,”bán thức ăn đóng gói sẵn”. Nhưng chỉ một vài thương hiệu thực hiện việc đó, không phải là đa số, và cần có sự chuẩn bị.

Các thương hiệu kinh doanh ẩm thực lớn có hoạt động bán thực phẩm, thức ăn, nướng uống giao đi trong mùa dịch hầu như là những thương hiệu đã xem xét phát triển “food delivery” là một phần trong cơ cấu doanh thu của họ. Các thương hiệu này đã có sự “đầu tư” cho một mảng kinh doanh “cộng thêm” của họ. Và khi nói đến “đầu tư”, chúng ta hiểu rằng cần có nguồn lực và thời gian để hoàn vốn và sinh lời. Với các quán cafe, nhà hàng đang gặp khó khăn trong mùa dịch, thì việc đầu tư “một mảng mới” hầu như là không thể. Thậm chí phí vận hành một mô hình kinh doanh không phải là thế mạnh, thì khoảng lỗ lớn trong ngắn hạn sẽ tạo thêm áp lực cho chính chủ doanh nghiệp.

Nếu “food and drink delivery” không phải là giá trị lõi mà quán cafe, nhà hàng cung cấp, thì đổ nguồn lực vào hoạt động này sẽ là rủi ro cao. Và bài toán chi phí – lợi nhuận – vận hành khi thực hiện “mô hình giao đi” phải được cân đo đong đếm rất cẩn thận để bảo đảm hoạt động này đủ để mang lại “chi phí duy trì” cho doanh nghiệp của mình. Đừng “băm nát lá đã rách” khi bạn thiếu sự chuẩn bị cho nó.

(Còn tiếp)

Điều quan trọng nhất trong tư vấn kinh doanh nhà hàng, hay tư vấn kinh doanh quán cà phê không nằm ở chỗ người tư vấn đưa ra “business concept” hay thế nào, mà nằm ở chỗ tạo nên một “business concept” phù hợp với nguồn lực của người làm kinh doanh, vận hành hiệu quả, và thể hiện được mong muốn của người làm kinh doanh. 

Quan điểm của riêng mình là “người kinh doanh bỏ tiền ra để tạo nên được “quán” của họ tốt nhất, không phải là tạo nên “quán” của người tư vấn”. Nếu kết hợp với nhau, người tư vấn kinh doanh nhà hàng sẽ góp thêm con mắt, khối óc, thời gian và lời khuyên để giúp cho người kinh doanh giảm thiểu rủi ro từ đầu của dự án đầu tư.  Người tư vấn còn góp thêm góc nhìn của vào dữ kiện kinh doanh, giúp người kinh doanh đưa ra quyết định phù hợp. Ở dự án mà mình thực hiện, mình giúp đỡ các chủ đầu tư tạo nên một nhà hàng của chính họ tốt nhất có thể. 
 
Người kinh doanh nhà hàng hãy chia sẻ mục tiêu muốn đạt được ở nhà hàng với người tư vấn. Cùng với nhau, cả hai sẽ tính toán kĩ lưỡng mất bao lâu, đầu tư bao nhiêu, cần phải làm gì để đạt được mục tiêu của chính người kinh doanh. Mục tiêu của người làm kinh doanh được xác định càng rõ ràng, cụ thể, thì càng giúp tăng việc giảm thiểu rủi ro của dự án.
 
Mình luôn cho rằng việc “giúp người kinh doanh hiểu rõ cách thức kinh doanh nhà hàng của chính họ hiệu quả” là nhiệm vụ và sứ mệnh của người làm nghề tư vấn. Một dự án kinh doanh F&B khi được tư vấn thì sẽ giảm thiểu được rủi ro trong đầu tư ban đầu; và cần bảo đảm khi kết thúc tư vấn, người kinh doanh có thể tự vận hành việc kinh doanh ổn định với nguồn lực của chính họ. Và điều này chỉ có thể thực hiện được, khi người làm kinh doanh phải thực sự dấn thân vào “làm kinh doanh” và người làm tư vấn phải tư vấn dựa trên nguồn lực thực tế của người kinh doanh. 
 
Người kinh doanh nhà hàng cần làm nên “quán” của chính mình tốt nhất!
Một tư duy đúng, luôn giúp chúng ta giảm hành động sai lầm. Khi người kinh doanh và người làm tư vấn hiểu rõ vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, sứ mệnh, vị trí của mình rõ ràng, thì họ sẽ biết kết hợp tốt nhất với nhau.
 
Những dòng này mình viết để dặn lại chính bản thân mình sau một thời gian đồng hành cùng với các khách hàng. Mình cũng mong các bài viết ở blog này phần nào giúp cho các bạn chuẩn bị kinh doanh quán cà phê và nhà hàng có thêm kiến thức khi dấn thân vào ngành F&B. Kinh doanh F&B muốn đi đường xa đòi hỏi có đam mê, kiến thức và tư duy phù hợp. Và trên hết thảy, muốn kinh doanh thì bạn phải bắt tay vào “làm kinh doanh”. Nếu bạn không “làm kinh doanh”, thì không có người tư vấn nào giúp bạn được cả.