F&B Business

Kinh doanh ẩm thực sau dịch bệnh vẫn còn nhiều nỗi lo

Pinterest LinkedIn Tumblr

Chạy một vòng SG, quán nhậu bình dân đông không có chỗ, nhưng nhà hàng cao cấp hơn thì vắng, quán cafe vẫn còn đóng cửa nhiều, người đến cũng ít hơn. Có lẽ trong lúc vui hay lúc buồn, đi nhậu vẫn dễ đáp ứng nhiều nhu cầu của đa số khách hàng hơn?!

 

Sức mua giảm, đây là cảm nhận cá nhân mình. Sức mua giảm ảnh hưởng lên nhiều ngành cả bán lẻ và dịch vụ. Riêng ngành dịch vụ ẩm thực thì sức mua kém hơn trước đợt dịch thứ tư rất nhiều, và tất nhiên so với tháng 11 của năm 2019 thì ngành dịch vụ ẩm thực đang sụt giảm nghiêm trọng. Người dân có xu hướng chi tiêu “thắt chặt” hơn trước một “tương lai không ổn định”. Những nỗi lo về “dịch bệnh bùng phát trở lại” vẫn hiện hữu. Những nỗi lo làm hầu bao của nhiều người không dễ dàng chi tiêu cho những thứ ngoài “nhu cầu cơ bản”.

 

Xu hướng kết nối và trải nghiệm sản phẩm F&B mới vẫn phát triển và được đẩy mạnh bởi thế hệ GenZ (1997-2012). Đã đến lúc các nhà hàng quán cafe cần nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của nhóm GenZ đang dần “chiếm sóng”, nhưng vẫn cần giữ hình ảnh thương hiệu đậm nét. Xã hội luôn chuyển động, có những điều cần thay đổi thích ứng, có những điều là nét đẹp sâu sắc của thời gian. Thương hiệu trường tồn lâu dài luôn hiểu mình ở đâu giữa những biến động của xã hội và đổi dời của thời gian.

 

Thị trường ẩm thực bình dân, văn phòng, gia đình sẽ thêm cạnh tranh gay gắt. Nhiều “nhà” bán mới nhỏ lẻ xuất hiện với sản phẩm tương tự nhau, cùng bán trên các nền tảng “food online”, giá cả cạnh tranh lẫn nhau và cùng “làm giàu” cho dịch vụ giao hàng và nền tảng “food online”. Các thương hiệu cũ và mới, nhiều tiền hay ít tiền đều đang phải “chia nhau” một tập khách hàng chung. Điểm sáng là công nghệ và sự lớn nhanh của thế hệ GenZ làm mở rộng thêm tập khách hàng. Nhưng chẳng có thị trường nào là đủ cho tất cả.

 

Đặt thức ăn và nước uống giao tại chỗ vẫn là nhu cầu đang lên và sẽ phát triển tiếp tục trong thời gian tới, bên cạnh các mô hình ẩm thực truyền thống. Nhu cầu của mỗi người cho dịch vụ ẩm thực sẽ đa dạng và phong phú hơn từng ngày. Người ta có thể trong cùng một ngày sử dụng cả dịch vụ giao thức ăn tại chỗ và ra quán ngồi hàn huyên chè chén với bạn bè. Nhu cầu được xuất hiện nhanh và thay đổi cũng nhanh. Xã hội vận hành nhanh hơn làm nhiều người ra quyết định nhanh hơn. Điều quan trọng nhất là khi ai đó quyết định sử dụng sản phẩm thì thương hiệu của bạn ở đâu và đáp ứng được mong đợi gì ở họ.

 

Thị trường F&B sẽ hồi phục sớm nhất khi kinh tế hồi phục. Nên điều tất cả các cơ sở kinh doanh ẩm thực cần làm là “sống sót” cho đến lúc kinh tế có dấu hiệu hồi phục. Sau mùa hạn sẽ đến mùa mưa. Hãy kiên nhẫn và có những quyết định cẩn trọng trong giai đoạn khó khăn và nhiều biến động. Từ tặng cho các bạn kinh doanh ẩm thực trong giai đoạn này là “BẢO TOÀN”. Hãy nhớ, khi mưa đến hạt giống sẽ nãy mầm. Nếu bạn để hạt giống cuối cùng chết đi, khi mùa mưa đến sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả.

 

Cầu những điều an lành cho tất cả các bạn.

Chuyên gia tư vấn F&B Trần Trung Hiếu (Ricky Hiếu Trần) với nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn hiệu quả kinh doanh và đầu tư cho các quán cafe, nhà hàng.

Write A Comment

Exit mobile version